Nguồn gốc [1] Keo ong

Thuật ngữ tiếng Anh của từ keo ong là Propolis có nguồn gốc xuất xứ từ tiếng Hi Lạp gồm hai từ “pro” (bảo vệ/ phía trước) và “polis” (cộng đồng, thành phố) mang ý nghĩa là chất bảo vệ tổ ong. Propolis (tên thông thường khác là “bee glue”) là một nguyên liệu có nhựa màu vàng nâu được những chú ong thợ thu thập từ các chồi lá của nhiều loài cây như bạch dương, thông, sủi, liễu và cọ. Để sản xuất ra được keo ong, những chú ong cũng có thể sử dụng nguyên liệu được tiết ra từ vết thương ở thực vật (nhựa lá cây,chất nhầy,  nhựa cây, v.v..). Những nguyên liệu này sau khi thu thập sẽ được làm giàu với nước bọt và dịch tiết enzyme và được những con ong sử dụng để bao phủ tổ ong, lấp các vết nứt hoặc các khoảng trống trên tổ và ướp giết các loài côn trùng xâm nhập vào tổ ong. Những con ong bản địa khu vực Venezuela và các quốc gia nhiệt đới Nam Mỹ sau khi thu thập nguyên liệu. chúng sẽ trộn những nguyên liệu này với sáp ong và đất để tạo thành geopropolis (keo ong đất).

Keo ong là một phương thuốc tự nhiên đã được sử dụng rộng rãi từ thời cổ đại. Người Ai Cập đã biết rất rõ các đặc tính chống mục của keo ong và đã sử dụng nó cho việc ướp xác. Những thầy thuốc thời đại Hy Lạp, La Mã nổi tiếng như Aristoteles, Dioscorides, PliniusGalen đã công nhận dược tính của keo ong. Dược tính của keo ong đã được các thầy thuốc Ả Rập sử dụng như một chất khử trùng điều trị vết thương và làm thuốc sát trùng miệng. Nền văn minh Inca cũng sử dụng keo ong như một phương thuốc hạ sốt. Đến thế kỷ 17, keo ong được xếp vào kho dược phẩm Luân Đôn như một loại thuốc chính thống. Giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, keo ong đã trở thành một loại thuốc rất phổ biến ở châu Âu vì khả năng kháng khuẩn của nó.